Thông tin nhanh Dân số hiện tại của Việt Nam là 99.317.435 người vào ngày 26/12/2022 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc. Dân số Việt Nam hiện chiếm 1,24% dân số thế giới. Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ. Mật độ dân số của Việt Nam là 320 người/km2. Với tổng diện tích đất là 310.060 km2. 38,05% dân số sống ở thành thị (37.198.539 người vào năm 2019). Độ tuổi trung bình ở Việt Nam là 33,3 tuổi.
Ý nghĩa Ngày Dân số Việt Nam 26/12
Ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ nước cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định lấy ngày 26/12 hàng năm làm ngày Dân số Việt Nam nhằm tập trung sự quan tâm của toàn xã hội cho công tác dân số, điều chỉnh sự phát triển dân số cho phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, trước mắt và lâu dài.
Vào những thập kỷ 50, 60 của thế kỷ XX, với sự quyết tâm và nỗ lực của cả dân tộc, chúng ta đã dành được những thành tựu lớn trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa, xã hội vào những năm 1955 - 1957. Tuy nhiên, từ năm 1958 trở đi thu nhập quốc dân giảm, trong khi sản lượng lương thực giảm lại thì tốc độ tăng dân số lại tăng vọt từ 1,1% (1954) lên 3,93% (1960). Lúc này chính sách sinh đẻ có kế hoạch chưa được áp dụng ở nước ta.
Trong bối cảnh nói trên, ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ra quyết định số 216/CP, về việc sinh đẻ có hướng dẫn, xuất phát từ thực tế về sự gia tăng dân số quá nhanh, gây cản trở đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một văn bản đánh dấu sự ra đời của công tác Dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được triển khai thực hiện ở nước ta.
Từ văn bản đầu tiên là Quyết định 216-CP, ngày 26/12/1961, sau này các văn bản mang tính toàn diện hơn được ban hành kịp thời giúp cho việc triển khai thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đạt hiệu quả cao như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, ngày 14/01/1993, rồi đến Chiến lược Dân số và Kế hoạch hóa gia đình đến năm 2000; Pháp lệnh Dân số năm 2003; Nghị quyết 47/NQ-TW, ngày 22/3/2005 của Bộ chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; Pháp lệnh 08 sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số… Đây là hành lang pháp lý đảm bảo cho việc triển khai thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đạt hiệu quả.
Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu 5 quan điểm làm nền tảng cho công tác dân số hiện nay, đặc biệt là chỉ rõ phương hướng: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Ngày 31/12/2017 Chính phủ đã có Nghị quyết số 137/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với 8 mục tiêu chính trên tinh thần quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới.
Với chủ đề chủ đề “60 năm ngành Dân số - vì một Việt Nam phát triển bền vững”, Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26-12 là dịp tăng cường phối hợp các ban ngành, đoàn thể và huy động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện tốt hơn chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ, đó là: ổn định quy mô dân số, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư hợp lý và từng bước nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn: Chuyên trách Trẻ em và Dân số phường