Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Chuyển đổi số nếu tạo giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng, sử dụng thì chuyển đổi số sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số. Đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội.
Đến nay, Cả nước đã có 45/63 tỉnh, thành phố đã thành lập, thí điểm triển khai tổ CNSCĐ (An Giang, Bến Tre, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận,Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đăk Nông, Đắk Lắk, Điện Biên, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Hà Nam, Hậu Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Bình, Thanh Hóa, TT.Huế, Thái Nguyên, Tiền Giang, Thái Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long), tương ứng cả nước có 39.631 tổ CNSCĐ và 197.532 thành viên tham gia tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố.
Để hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương đi vào thực chất, sát với nhu cầu của người dân, làm cho người dân cảm nhận được giá trị, lợi ích thiết thực mang lại từ chuyển đổi số trong đời sống hằng ngày, Bộ Thông Tin và Truyền thông đã biên soạn các tài liệu để hướng dẫn cho Tổ công nghệ số cộng đồng và cho người dân, bao gồm:
- Tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các áp phích để tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân cài đặt, sử dụng. Các tài liệu này tiếp cận người dân theo hình thức đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người và kết hợp các hình thức phù hợp với đặc thù của địa phương.
- Tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các video hoặc tệp âm thanh để tuyên truyền, hướng dẫn gián tiếp người dân cài đặt sử dụng. Các tài liệu này được phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở của xã, phường, các phương tiện truyền thanh khác của địa phương hoặc gửi qua các kênh giao tiếp giữa chính quyền với người dân.
Để tài liệu đến với tổ CNSCĐ nhanh nhất, tiện lợi nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp các tài liệu và đưa vào 01 khóa bồi dưỡng "Phổ cập kỹ năng số cộng đồng" trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông để các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân có thể dễ dàng truy cập vào khóa bồi dưỡng trên nền tảng mọi lúc, mọi nơi, đơn giản bằng cách sử dụng ứng dụng Zalo và quét mã QR Code kèm theo để truy cập tài liệu khóa bồi dưỡng.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân sử dụng Kênh Zalo "Chuyển đổi số quốc gia" và chọn “Quan tâm” trên điện thoại thông minh như một kênh để cập nhật kịp thời các thông tin mới nhất về chuyển đổi số.
Nguồn: Chuyển đổi số quốc gia