1. Nghịch cảnh dân số và phát triển
Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nổi bật nhất là tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.
Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh, tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện, dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng nhận định, công tác dân số còn một số hạn chế nhất định, được đề cập đầu tiên là vấn đề mức sinh thay thế còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng.
2. Vì sao cần duy trì mức sinh thay thế?
Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống. Nghĩa là, nếu mỗi người mẹ sinh được 2 con là đạt mức sinh thay thế, vì theo quy luật tự nhiên và tính trên phạm vi rộng thì trong 2 con sẽ có 1 con gái để thay thế mẹ mình thực hiện chức năng sinh đẻ (tái sản xuất dân số). Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi thọ của phụ nữ, tỷ suất chết trẻ em, tỷ lệ người độc thân, vô sinh… nên mức sinh thay thế thường là hơn 2 con.
Theo Tổng cục Dân số & Kế hoạch hóa gia đình, dự báo đến năm 2049, dân số nước ta sẽ ở mức sinh cao (so với mức sinh hiện nay), quy mô dân số sẽ lớn, mật độ dân số sẽ đông tác động đến mọi thành tựu đạt được trong hàng thập kỷ qua. Thực trạng này sẽ tạo sức ép rất lớn cho phát triển KTXH của đất nước về việc làm, thu nhập, an ninh lương thực, chăm sóc y tế, an ninh năng lượng, môi trường...
Nếu duy trì mức sinh thấp hơn sẽ khó phục hồi mức sinh và khó đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức tự nhiên. Trong trường hợp này, thời gian từ “già hoá dân số” sang “dân số già” càng ngắn lại, tạo ra các sức ép mạnh mẽ về chăm sóc y tế cho người cao tuổi.
3. Giải pháp nào cho tình trạng này?
GS.TS. Nguyễn Đình Cử cho biết, để duy trì mức sinh thay thế và giải quyết nghịch cảnh dân số và phát triển thì công tác dân số cần khuyến khích, động viên những khu vực đô thị hoặc bất kỳ địa phương, vùng miền nào có mức sinh thay thế thấp, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con. Ngược lại, ở những vùng có mức sinh cao cần vận động, tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, thậm chí quyết liệt để giảm mức sinh thay thế bởi đây cũng là một biện pháp cơ bản để xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và cả cộng đồng.
Trong Nghị quyết số 21-NQ/TW cũng chỉ rõ cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân số. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Bên cạnh đó cần đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.