Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để thực hiện chuyển đổi số.
Ngày 05/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 793/BTTTT-THH về việc hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Cụ thể, mỗi thôn, bản, tổ dân phố có thể thành lập một Tổ công nghệ số cộng đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Công văn số 2350/UBND-KT ngày 12/7/2022.
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức đã ban hành công văn số 4787/UBND-KHCN ngày 03/8/2022 về thí điểm thành lập, triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng tại 34 phường.
Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
1. Nhiệm vụ của Tổ công nghệ số cộng đồng:
- Thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến từng gia đình, người dân trong địa bàn về: các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chuyển đổi số.
- Thông tin cho người dân về kế hoạch và kết quả triển khai chuyển đổi số, các sự kiện tiêu biểu, nổi bật về chuyển đổi số, các giải pháp, mô hình chuyển đổi số hay, sáng tạo, hiệu quả (thông qua Cổng thông tin Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn/ và Bản tin về chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh).
- Hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tiện ích số như dịch vụ công trực tuyến, sàn thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các ứng dụng trên thiết bị di động (ứng dụng 1022, ứng dụng thông tin giao thông, thông tin xe buýt, Cổng thông tin điện tử thành phố Thủ Đức; Ứng dụng Thành phố Thủ Đức trực tuyến…).
- Hướng dẫn, vận động người dân tham gia hiến kế, đóng góp ý kiến về chuyển đổi số cho Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, thành phố Thủ Đức nói riêng thông qua Diễn đàn chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh https://diendanso.hochiminhcity.gov.vn/.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác về chuyển đổi số tùy theo đặc điểm và yêu cầu của từng địa phương.
2. Việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại phường
- Đối với Tổ dân phố có từ 450 hộ gia đình[1] trở lên thì mỗi Tổ dân phố thành lập 1 Tổ công nghệ số cộng đồng.
- Đối với Tổ dân phố dưới 450 hộ gia đình, thì 2 Tổ dân phố thành lập 1 Tổ công nghệ số cộng đồng. Riêng đối với khu phố có số lẻ Tổ dân phố dưới 450 hộ gia đình thì sẽ phối hợp với Tổ dân phố gần nhất để thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng.
3. Cơ cấu tổ chức của Tổ công nghệ số cộng đồng
- Đối với Tổ công nghệ số cộng đồng gồm 1 Tổ dân phố: Thành phần gồm Tổ trưởng tổ dân phố là Tổ trưởng; 01 chi hội đoàn thể là thành viên (ưu tiên Đoàn thanh niên); có tinh thần nhiệt tình hoạt động cộng đồng, có tư duy muốn chấp nhận và thử nghiệm cái mới, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.
- Đối với Tổ công nghệ số cộng đồng gồm 2 Tổ dân phố: Thành phần gồm Tổ trưởng tổ dân phố là Tổ trưởng (ưu tiên người trẻ tuổi); 02 thành viên là chi hội đoàn thể của 2 Tổ dân phố (ưu tiên Đoàn thanh niên).
Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động theo sự chỉ đạo, điều phối, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân phường.
Tổ công nghệ số cộng đồng được quản lý dựa trên các nền tảng số Việt Nam miễn phí và thông dụng như: Zalo, Mocha, Gapo….
[1] Thông tư 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.
***.Đính kèm:
+ Văn bản số 4787/UBND-KHCN
+ Văn bản số 793/BTTTT-THH
TH