Với tâm lý chủ quan, cháy khó có thể xảy ra khi trời đang mưa hoặc vào mùa mưa bão nên rất nhiều người dân đã lơ là, mất cảnh giác đối với công tác đảm bảo an toàn PCCC. Tuy nhiên, đây lại là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy, nổ liên quan đến sự cố về điện và tai nạn trong cuộc sống...
Thời tiết mưa, bão dễ khiến cho hệ thống, thiết bị điện ngoài trời (như hệ thống truyền tải điện năng, dây dẫn điện, bảng - biển quảng cáo…) bị hư hỏng lớp vỏ cách điện, dẫn đến tình trạng chạm, chập điện có nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Bên cạnh đó, còn có khả năng lan truyền theo đường dây dẫn điện sang hệ thống, thiết bị điện sinh hoạt, sản xuất của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến cháy lan, cháy lớn... có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.
Để phòng tránh và hạn chế tối đa những tai nạn, sự cố cháy, nổ đáng tiếc có thể xảy ra trong mùa mưa bão gây ra, khuyến cáo người dân cần tự trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản cũng như chủ động nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm các nội quy, quy định về công tác đảm bảo an toàn PCCC, cứu nạn cứu hộ, cụ thể:
- Đối với cơ sở sản xuất
+ Thực hiện các biện pháp, giải pháp kỹ thuật của các thiết bị để khống chế và kiểm soát chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn sinh lửa, sinh nhiệt. Lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptômat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn; tách riêng biệt các nguồn điện: chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, nguồn điện sản xuất, sinh hoạt. Thường xuyên kiểm tra, bảo trí, bảo dưỡng, thay thế những thiết bị điện cũ, lâu ngày không đảm bảo an toàn PCCC.
Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện của cơ sở
+ Các cơ sở tồn chứa xăng dầu và các công trình lắp đặt hệ thống chống sét, chống rò rỉ điện phù hợp với từng loại công trình, phải thực hiện việc kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét. Việc lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét phải đảm bảo theo các quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam và các quy định khác của pháp luật. Cần gia cố, chằng buộc chắc chắn các cửa, công trình tránh sụp đổ khi có giông, gió mạnh. Hàng hóa trong kho phải được sắp xếp theo đúng quy định, không sắp xếp hàng hóa chắn các lối thoát nạn. Tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC trước mùa mưa bão, đối với các kho hóa chất khi tiếp xúc với nước gây phản ứng tự cháy cần phải có biện pháp tránh ngập nước hoặc nước mưa rơi vào gây cháy. Tổ chức cho cắt, tỉa những cành cây có tán rộng, lớn ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện nội bộ.
- Đối với gia đình, hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất
+ Nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, nắm được kỹ năng cơ bản để xử lý tình huống khi có cháy, nổ xảy ra. Không cắm quá nhiều thiết bị điện vào một ổ điện không đủ công suất; quản lý nguồn điện chặt chẽ, nhất là việc câu mắc điện, sử dụng các thiết bị điện, lựa chọn các thiết bị truyền tải điện phù hợp; đề phòng quá tải gây chập cháy, rò rỉ điện bằng cách sử dụng cầu dao điện có thiết bị bảo vệ tự đóng, ngắt.
Không cắm quá nhiều thiết bị điện vào cùng 1 ổ điện
+ Thay thế những thiết bị điện, đồ dùng sinh hoạt trong nhà đã quá cũ; khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị điện hoặc trường hợp đang sử dụng nhưng bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện. Các thiết bị sinh nhiệt phải được đặt trên các vật liệu không cháy, thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh các thiết bị điện để kịp thời phát hiện những thiết bị không đảm bảo an toàn.
+ Đối với các thiết bị phát sáng phải được gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn, không sử dụng các vật liệu dễ cháy như giấy, vải, túi nilong,… để bao bọc bóng điện. Không lắp đặt ổ cắm điện trong nhà vệ sinh, nhà tắm; Không đặt các chất dễ cháy như gas, xăng, dầu, giấy,… gần các thiết bị, dụng cụ sinh nhiệt như: đèn, bàn là, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện,…. Tổ chức cắt, tỉa những cành cây có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống dây dẫn điện khi có giông, bão xảy ra.
+ Khu dân cư có nguy cơ ngập lụt cần lắp đường dây điện, ổ cắm cao trên 1,5m đề phòng bị ngập nước. Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng vào những nơi chưa bị ngập, gọi điện thoại hoặc kêu cứu để mọi người báo điện lực quản lý cắt điện.
+ Khi người hoặc chân tay bị ướt không được tiếp xúc với điện; các thiết bị điện bị ngấm nước, phải sấy khô mới được sử dụng. Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần và cảnh báo cho mọi người chung quanh, đồng thời báo đơn vị điện lực quản lý cắt điện.
+ Lắp đặt những biển hiệu, bảng quảng cáo phù hợp với diện tích của nhà; không che chắn không gian, lối thoát nạn đối với những nhà có nhiều tầng; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện của biển hiệu, bảng quảng cáo tránh tình trạng chạm, chập gây cháy lan vào trong nhà.
+ Mỗi hộ gia đình có ít nhất 2 lối thoát nạn, phải tự giác thực hiện việc làm cửa thoát hiểm, tự trang bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như: bình chữa cháy xách tay, thang dây, mặt nạ phòng độc, búa, rìu thoát nạn, đồng thời hướng dẫn cho mọi người trong gia đình biết, sử dụng các phương tiện này.
+ Cần phải lưu ý không nên dùng nước để chữa cháy khi thấy hiện tượng chập điện gây cháy. Thường xuyên theo dõi, bảo trì hệ thống điện của nhà mình, đối với các nhà nhiều tầng, tại các khu vực có tỷ lệ nhiều sét, nên trang bị thêm hệ thống chống sét đề phòng sự cố cháy, nổ xảy ra.
+ Để tránh tình trạng chạm, chập điện, người dân mỗi khi ra khỏi nhà phải tắt hết các thiết bị dùng điện hoặc tốt nhất là ngắt cầu dao tổng, để nếu có thiết bị điện trong nhà mà quên tắt, thì hoạt động trong thời gian dài sẽ phát nhiệt gây cháy.
- Để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra tai nạn khi ra đường mùa mưa, bão, cần/;
+ Chú ý quan sát các biển báo trên đường, nhất là biển báo nguy hiểm, biển báo dừng xe và các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lí các sự cố, tránh gây tai nạn và hạn chế đi trên cầu.
+ Đặc biệt, trong thời tiết mưa bão, tầm nhìn của bạn thường bị hạn chế rất nhiều và khó điều chỉnh được xe theo ý muốn một cách linh hoạt. Do đó bạn nên chủ động bật đèn xe khi đi lại trong ngày mưa bão để nhìn rõ đường phía trước và đánh tín hiệu cho các xe đi ngược chiều.
+ Đối với khu vực dưới gốc cây to, các phương tiện không nên đi vào những tuyến phố có nhiều cây xanh lớn vì mưa bão, gió giật thường đi kèm hiện tượng sét. Chú ý tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây, tránh các khu vực cao hơn xung quanh. Những loại cây dễ đổ là loại cây có rễ chùm như xà cừ, muồng...
+ Cẩn thận với các khu vực có công trường thi công, nơi có nhiều tấm tôn, sắt lớn.
Khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH chuyên nghiệp theo số điện thoại 114, hoặc sử dụng ứng dụng “Báo cháy 114” trên thiết bị di động thông minh. Hoặc báo Chính quyền địa phương nơi gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện sẵn có để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.