Khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không thực hiện, tiếp tay cho kẻ xấu thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai trái phép thông tin tài khoản ngân hàng vì nguy cơ xảy ra nhiều hệ lụy. Nếu bị phát hiện thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Pháp luật.
Lợi dụng việc người dân dễ dàng mở tài khoản ngân hàng, các đối tượng xấu đã sử dụng các thủ đoạn để mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Hành vi thu thập thông tin, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng hiện nay đang diễn ra ngày càng nhiều và có xu hướng tăng cao. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, đã có nhiều trường hợp sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thậm chí là dùng để giao dịch trong những hoạt động phi pháp khác như rửa tiền, buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc trên mạng…
Mối nguy tài khoản ngân hàng bị đánh cắp
Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước, tội phạm liên quan đến hành vi mua bán trái phép thông tin về tài khoản các ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc bằng hình thức mua số lô, số đề, mua bán trái phép chất ma túy diễn biến tương đối phức tạp. Điều này gây nhiều rủi ro cho chủ tài khoản và ngân hàng khi những đối tượng mua bán tài khoản ngân hàng lợi dụng thông tin của những tài khoản này để sử dụng vào các hoạt động phi pháp. Mặc dù cơ quan chức năng và ngành ngân hàng đã đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, song hoạt động này vẫn lén lút diễn ra. Theo đó, Lực lượng chức năng đã Khởi tố nhiều vụ án, nhiểu đối tượng mua bán thông tin tài khoản ngân hàng.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố N.V.Q (SN 1997,
trú tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) về hành vi thu thập, tàng trữ,
trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân
hàng. Q thừa nhận đã tìm kiếm và giới thiệu, hướng dẫn cho nhiều người
cách đăng ký tài khoản ngân hàng, sau đó bán lại thông tin cho Q, Q bán
lại cho đối tượng K. để hưởng hoa hồng (Ảnh MXH)
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với
vợ chồng H.L.H.M (SN 2000) và T.T.N.Q (SN 2003) điều tra về hành vi bán
tài khoản ngân hàng, sau đó chiếm đoạt gần 500 triệu đồng.(Ảnh MXH)
04 đối tượng trong đường dây mua bán tài khoản ngân hàng liên tỉnh Phú
Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Hà Nội bị bắt giữ và điều tra về hành vi
“Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”. Ảnh MXH
Các đối tượng trong đường dây mua bán 3.000 tài khoản ngân hàng bị công an Nghệ An triệt xóa (tháng 6/2022). Ảnh MXH
Thế nào là mua bán trái phép tài khoản ngân hàng?
Tài khoản ngân hàng do ngân hàng cung cấp cho khách hàng của mình dưới dạng một dãy số gồm 8 chữ số đến 15 chữ số tùy từng ngân hàng. Số tài khoản giúp khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính nhanh chóng, chính xác và an toàn. Theo đó, mỗi cá nhân có thể mở nhiều tài khoản ngân hàng cùng lúc.
Hiện tượng mua bán trái phép tài khoản ngân hàng đã xuất hiện từ trước đây tuy nhiên lại có dấu hiệu gia tăng trong thời gian trở lại đây do nhu cầu sử dụng các loại hình thanh toán tín dụng của các tổ chức, cá nhân trong đời sống hàng ngày. Mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng là việc biểu hiện rõ ở việc trao đổi, thỏa thuận với nhau các thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm thu lợi bất chính hoặc mục đích khác trái pháp luật. Hành vi mua, bán tài khoản ngân hàng nhằm mục đích trục lợi hoặc để thực hiện các hành vi lừa đảo được xác định là hành vi vi phạm pháp luật. Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Đối với tài khoản ngân hàng nói chung, tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm nói riêng, pháp luật cho phép được ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản nhưng phải ủy quyền bằng văn bản và thông báo, cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc ủy quyền cho ngân hàng để quản lý. Việc tự ý tiến hành trao đổi, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng của người khác hoặc của chính mình đều là những hành vi pháp luật không cho phép. Vì tài khoản ngân hàng được mở gắn liền với thông tin của chủ tài khoản nên việc mua bán tài khoản ngân hàng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực quản lý nhà nước trong hoạt động tài chính ngân hàng và lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Thông tin về tài khoản ngân hàng bao gồm các thông tin về chủ tài khoản, số tài khoản, mật khẩu,…
Xử lý hành vi mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng
Việc mua bán những thông tin về tài khoản ngân hàng tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP hoặc xử lý hình sự theo Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.
*.Xử phạt vi phạm hành chính: Theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng như sau:
- Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 - dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, buộc người vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Xử lý hình sự: Trường hợp mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể mức phạt đối với tội này như sau:
*.Hình phạt chính:
- Khung 01: Phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm với trường hợp thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác. Với số lượng từ 20 - dưới 50 tài khoản; hoặcThu lợi bất chính từ 20 - dưới 50 triệu đồng.
- Khung 02: Phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 - dưới 200 tài khoản;Có tổ chức;Có tính chất chuyên nghiệp;Thu lợi bất chính từ 50 - dưới 200 triệu đồng;Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 03: Phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên.
*.Hình thức xử phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản./.
Nguồn: CA